1. Viêm kết mạc là gì?
Viêm kết mạc là một bệnh lý thường gặp trong nhãn khoa. Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi trùng, siêu vi hoặc dị ứng. Viêm kết mạc nhiễm trùng có khả năng lây lan mạnh nên có thể tạo thành dịch bệnh.
2. Nguyên nhân
Về mặt giải phẫu, kết mạc là lớp nằm ngoài cùng của nhãn cầu tiếp xúc thường xuyên với môi trường bên ngoài nên rầt dễ bị lây nhiễm. Nguyên nhân sinh bệnh thường gặp là do siêu vi, vi trùng, nấm và dị ứng.
Viêm kết mạc do vi trùng: thường gặp là Staphylococcus epidermidis và Staphylococcus auerus. Ngoài ra cũng có thể do Streptococcus pneumonia, Hemophilus influenza và Moraxella lacunata.
Viêm kết mạc do siêu vi: thường là adenovirus, herpes simplex, herpes zoster, enterovirus, coxackievirus, Epstein-Barr virus…
3. Các hình thái lâm sàng của viêm kết mạc
· Viêm kết mạc cấp có mủ
· Viêm kết mạc cấp có hột
· Viêm kết mạc cấp có tiết tố màng
4. Điều trị viêm kết mạc
4.1. Viêm kết mạc do vi trùng
– Bệnh có thể tự hồi phục trong vòng 1-2 tuần nếu không điều trị và trong vòng 1 tuần nếu được điều trị thích hợp.
– Điều trị chủ yếu là dùng kháng sinh tại chổ (thuốc nhỏ 4-6 lần / ngày và thuốc mỡ 1 lần / đêm trước khi đi ngủ) trừ trường hợp viêm kết mạc lậu cầu (cephalosporine III chích hoặc uống) và viêm kết mạc cấp do Chlamydia trachomatis cấp tính (Doxycycline 100mg/ngày x 2 tuần hoặc tetracycline 1g /ngày hoặc Erythromycine 1g /ngày x 6 tuần) .
– Nên chọn kháng sinh nhỏ mắt phổ rộng trước khi có kết quả vi trùng học và kháng sinh đồ chất tiết mủ. Một số kháng sinh thường dùng hiện nay là gentamycine, tobramycine, ciprofloxacine, ofloxacine, neomycine, polymycine B, gramicidine.
4.2.Viêm kết mạc do siêu vi
– Bệnh thường tự giới hạn trong vòng 12 ngày nên việc điều trị triệu chứng và nâng đỡ là chủ yếu.
– Tránh dùng thuốc chống virus do không có hiệu quả.
– Corticoides có thể làm nặng thêm tổn thương trên giác mạc nên chỉ sử dụng khi phản ứng viêm trầm trọng và đã loại trừ viêm kết mạc do herpes simplex.
4.3. Viêm kết mạc dị ứng
– Hạn chế tiếp xúc với kháng nguyên
– Điều trị bằng thuốc nhỏ bền tế bào mast (nedocromil 0.1% 2 lần / ngày, lodoxamine 0.1% 4 lần/ngày) hoặc kháng histamine tại chổ (levocabastine, azelastine).
– Kháng histamine toàn thân giúp giảm triệu chứng nhanh nên có thể sử dụng trong trường hợp bệnh trầm trọng.
5. Phòng bệnh
– Tuyên truyền giáo dục vấn đề giữ vệ sinh mắt.
– Tránh tiếp xúc với người đang bị viêm kết mạc cấp.