Là cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa, bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi. Nguyên nhân thường là nghẽn mạch do cao huyết áp, bệnh lý tim mạch. Đôi khi là hậu quả của huyết khối do viêm nhiễm, bệnh Lupus, bệnh Behcet, bệnh Horton…
1.Triệu chứng lâm sàng:
– Bệnh nhân mù 1 mắt hoàn toàn, đột ngột. Đôi khi phát hiện được sau khi ngủ dậy.
– Khám mắt:
+ Bán phần trước: đồng tử hơi giãn, mất phản xạ với ánh sáng trực tiếp, còn phản xạ liên ứng.
+ Đáy mắt: giai đoạn đầu thấy động mạch co nhỏ như sợi chỉ. Không có máu ở trong lòng mạch – tại thân mạch lớn có thể có giảm lưu lượng máu hoặc hình ảnh cột máu bị đứt đoạn thành nhiều quãng.
Sau những giờ đầu là hiện tượng phù võng mạc. Võng mạc màu trắng sữa, chủ yếu ở cực sau, tương phản với màu đỏ của hoàng điểm, dấu hiệu “hoàng điểm anh đào” do hoàng điểm được nuôi dưỡng bởi mao mạch hắc mạc.
2. Các hình thái lâm sàng:
* Mù thoáng qua- co thắt động mạch:
Khởi phát đột ngột, mù hoàn toàn 1 mắt. Kéo dài trong vài phút. Ngoài cơn, thị lực và đáy mắt hoàn toàn bình thường. Cần làm những khám nghiệm về tim mạch, thường có dấu hiệu của hẹp hoặc nghẽn động mạch cảnh.
* Tắc nhánh động mạch trung tâm võng mạc:
Gây ra những bệnh cảnh lâm sàng khác nhau tuỳ thuộc vị trí tắc. Giảm thị lực đột ngột, mất vùng nhìn tương ứng với khu vực động mạch bị tổn thương.
Đáy mắt: phù võng mạc khu vực tắc do thiếu tưới máu. Đôi khi thấy được vật nghẽn là mảnh Cholesterol hoặc canxi.
* Tắc động mạch trung tâm võng mạc ở người có động mạch mi-võng mạc:
Chiếm khoảng 20% dân số, có thêm 1 động mạch mi-võng mạc có nguồn gốc từ hắc mạc, xuất phát từ bờ đĩa thị phía ngoài nuôi dưỡng cho vùng giữa gai thị và hoàng điểm. Trong trường hợp này, thị lực có thể giảm ít hoặc nhiều nhưng thị
trường thu hẹp còn hình ống. Đáy mắt: còn thấy 1 vùng võng mạc hồng hình tam giác ở giữa gai thị và hoàng điểm lọt giữa võng mạc cực sau bị phù tràn ngập. Ngược lại tắc động mạch mi-võng mạc đơn độc: Thị lực giảm. Đáy mắt có phù trắng 1 vùng giữa gai thị và hoàng điểm, võng mạc xung quanh không bị tổn thương.
3. Điều trị tắc động mạch trung tâm võng mạc
– Tại chỗ: làm biến đổi áp lực động mạch trung tâm để di chuyển vật nghẽn bằng cách : day nhãn cầu trong vài phút; có thể chọc tiền phòng để làm hạ nhãn áp; tiêm thuốc dãn mạch cạnh nhãn cầu.
– Toàn thân:
+ Có thể dùng thuốc dãn mạch, uống hoặc tiêm truyền.
+ Các thuốc chống ngưng kết tiểu cầu.
+ Các thuốc chống đông và tiêu fibrrin (chỉ dùng khi không có chống chỉ định và trên những người trẻ có sức khoẻ tốt).
– Điều trị căn nguyên:
+ Nếu là cao huyết áp: điều trị cao huyết áp.
+ Bệnh Horton: liệu pháp corticoide khẩn cấp.
– Tiến triển- tiên lượng: Nếu bệnh nhân đến kịp (trong vòng 2 giờ sau khi bị bệnh), thị lực có thể phục hồi, phù võng mạc mất đi sau vài ngày, động mạch lưu thông lại bình thường. Trường hợp tắc nhánh động mạch, các tổn thương ổn định, khuyết thị trường vùng võng mạc tương ứng, cũng có trường hợp tắc lan rộng ra toàn bộ võng mạc. Thường bệnh nhân không mấy khi đến kịp vì vậy tiến triển không tốt. Thị lực mất hoàn toàn, teo gai thị sau 1 tháng, co hẹp các động mạch võng mạc, mạch máu có thể xơ trắng, có thể đưa đến glocom tân mạch.